Vào ngày mùng 5 tháng 5 Âm Lịch hàng năm, mỗi vùng miền trên cả nước lại có những phong tục riêng để cúng Tết Đoan Ngọ. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng Đồ Cúng Việt tìm hiểu chi tiết về phong tục Tết Đoan Ngọ và các hoạt động khác nên làm vào ngày này.
CHỌN MỤC BẠN MUỐN ĐỌC
Cúng Tết Đoan Ngọ 2024 vào giờ nào?
Theo truyền thuyết, vào dịp tết Đoan Ngọ thì lũ sâu bọ sẽ trở nên hung hăng, nếu không diệt trừ kịp thời thì chúng sẽ phá hoại mùa màng, ăn hết thực phẩm mà chúng ta thu hoạch được. Chính vì vậy, Tết Đoan Ngọ được xem là dịp để diệt trừ sâu bọ, tăng cường sức khỏe, tẩy trùng tẩy uế cho cơ thể.
Thời gian tốt nhất để tổ chức lễ cúng tết Đoan Ngọ là vào giữa trưa, từ 11 đến 13 giờ trưa hay được gọi là giờ chính Ngọ. Trong trường hợp các bạn không thể sắp xếp cúng vào khoảng thời gian này thì có thể cúng vào giờ Giáp Thìn (7h-9h) hoặc vào giờ Đinh Mùi (13h-15h).
Tết Đoan Ngọ cúng gì cho ông Địa?
Theo phong tục, vào này tết Đoan Ngọ ngoài việc cúng gia tiên, nhiều gia đình cũng cúng ông Địa để cầu mong sự phát đạt và bình an cho gia đình. Mâm cúng cho ông Địa vào tết Đoan Ngọ cũng không khác với mâm cúng trên ban thờ gia tiên.
Tuy nhiên tùy vào phong tục của từng địa phương hay điều kiện của gia đình mà lễ vật cúng ông Địa có thể khác nhau. Dưới đây là danh sách các vật phẩm thường được cúng Tết Đoan Ngọ:
- Hoa tươi.
- Xôi, chè.
- Bánh tro, bánh ú.
- Nước.
- Rượu.
- Hương.
- Các loại hoa quả theo mùa.
- Cơm rượu nếp.
- Vàng mã (không có tiền âm phủ).
Sau khi cúng xong, chúng ta có thể dọn mâm cỗ ra ngoài để chia sẻ với hàng xóm hoặc tự thưởng thức trong gia đình.
Tết Đoan Ngọ nên làm gì?
Dưới đây là một số hoạt động truyền thống được thực hiện vào ngày Tết Đoan Ngọ để giúp bạn có thể may mắn suốt cả năm.
Thực hiện nghi lễ giết sâu bọ
Theo quan niệm dân gian, trong cơ thể con người có nhiều loại sâu bọ gây hại cho sức khỏe. Do đó, vào ngày Tết Đoan Ngọ, mọi người thường ăn các loại thức ăn có tính nóng như cơm rượu nếp, bánh gio, trứng luộc, hoa quả như mận, vải… để diệt sâu bọ và tẩy giun trong đường ruột. Ngoài ra, một số vùng miền còn có phong tục bôi hùng hoàng lên ngực, rốn, thóp đầu của trẻ em để trừ sâu bọ.
Cụ thể cách diệt sâu bọ như sau:
- Với trẻ em: Lúc trẻ còn ở trên giường thì cho ăn một ít hoa quả, rượu nếp. Bôi hùng hoàng vào thóp đầu, ngực, rốn. Sau đó mới cho trẻ đi rửa mặt mũi, chân tay.
- Với người lớn: Vào lúc sáng sớm, trước khi đặt chân xuống đất thì súc miệng 3 lần cho sạch sâu bọ, sau đó là ăn 1 quả trứng vịt luộc. Cuối cùng là xuống giường uống một ít rượu (hoặc ăn một bát rượu nếp) cho sâu bọ say, và ăn thêm trái cây cho sâu bọ chết.
Nên phóng sinh vào Tết Đoan ngọ
Phóng sinh là một hành động thiện nguyện giúp giải thoát cho các sinh vật khỏi giam cầm. Vào ngày tết Đoan Ngọ, chúng ta nên đi phóng sinh cá, chim tại chùa chiền hoặc ao hồ sông suối. Điều này giúp chúng ta nhận được nhiều điều tốt lành hơn trong cuộc sống, giảm bớt nghiệp chướng và làm cho tâm hồn thanh tịnh hơn.
Tắm nước lá
Theo tập tục của người xưa, nếu chúng ta tắm bằng nước nấu từ các loại thảo dược như lá trầu, lá chanh, lá khế…Sẽ giúp cho cơ thể loại bỏ các chất độc hai, loại trừ các loại sâu bệnh trên da. Thực tế các loại lá này còn có tác dụng trị mụn, phòng chống các bệnh về da rất tốt.
Cũng theo lưu truyền, nếu chị em muốn có một mái tóc đen dài mượt mà thì cũng nên gội đầu bằng thảo dược trong ngày này. Đây cũng là một phương pháp chữa bệnh của ông bà ra, giúp cho tinh thần thoải mái và phấn chấn.
Treo cành xương rồng trên cửa
Treo cành xương rồng trên cửa vào dịp tết Đoan Ngọ sẽ có tác dụng trừ ma, loại bỏ được các loại tà khí trong nhà. Nếu không có xương rồng thì các bạn cũng có thể thay thế bằng ngải cứu để giúp cho nhà mình có thể đón được nhiều vượng khí nhất.
Kết luận
Tết Đoan Ngọ là một trong những lễ hội truyền thống của người Việt Nam, có ý nghĩa rất quan trọng trong cuộc sống và tâm linh của mọi người. Qua bài viết này, chúng ta đã tìm hiểu được chi tiết về phong tục Tết Đoan Ngọ, các hoạt động cúng tết và những hoạt động truyền thống khác.
Hy vọng rằng thông tin trong bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về Tết Đoan Ngọ và tiếp tục duy trì những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Xem thêm: Những món ăn Tết Đoan Ngọ